• Hotline:   TP KINH DOANH:   0945 99 25 79 - 0903 25 80 79  
  • TIN TỨC & SỰ KIỆN

    Bình Dương bố trí vốn xây dựng đường Vành đai 3, tán thành chủ trương thành lập thành phố Tân Uyên

    Thứ hai, 22:44 Ngày 27/06/2022 .

    Binhduong.gov.vn-Sáng 25-4, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, HĐND tỉnh khóa X tổ chức Kỳ họp thứ tư (chuyên đề) thông qua một số dự thảo Nghị quyết quan trọng tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

    Tham dự có ông Võ Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Phạm Văn Chánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Văn Lộc - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban ngành và 62 đại biểu HĐND tỉnh.

    Thông qua 09 dự thảo Nghị quyết quan trọng

    Phát biểu khai mạc Kỳ họp, ông Phạm Văn Chánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, để đảm bảo tiến độ, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh xem xét, quyết định các nội dung về đầu tư công, gồm: Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng đường phân khu ĐX 144, phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một; kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương năm 2021 sang năm 2022; cho ý kiến việc đầu tư và cam kết đảm bảo cân đối nguồn vốn Ngân sách địa phương tham gia thực hiện dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương.

    Toàn cảnh cuộc họp

    Kỳ họp cũng xem xét, quyết định các nội dung chi, mức chi trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (quy định nội dung chi, mức chi cho các kỳ thi, hội thi trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo trên địa bàn tỉnh; quy định nội dung chi, mức chi tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương); quyết định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế. Đồng thời, cho ý kiến đối với chủ trương thành lập thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương.

    Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Chánh phát biểu tại Kỳ họp

    Những nội dung này có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để UBND tỉnh triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

    Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, các nội dung trình Kỳ họp đã được UBND tỉnh chỉ đạo, chuẩn bị chu đáo, chất lượng; được các Ban của HĐND tỉnh phối hợp thẩm tra theo luật định. Với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, ông đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến đối với báo cáo cũng như các dự thảo Nghị quyết có chất lượng để kỳ họp đạt kết quả tốt nhất.

    Bố trí hơn 9.600 tỷ đồng xây dựng đường Vành đai 3

    Tại Kỳ họp, ông Mai Bá Trước - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày Tờ trình về thống nhất việc đầu tư và cam kết đảm bảo cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương tham gia thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 thuộc dự án quan trọng quốc gia, do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Tổng chiều dài đầu tư khoảng 76,34km đi qua địa bàn các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, Bình Dương. Trong đó đoạn qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 10,76km đi qua địa bàn thành phố Dĩ An, Thủ Dầu Một và Thuận An.

    Đại biểu biểu quyết thông qua các dự thảo Nghị quyết bằng ứng dụng công nghệ thông tin

    Về nguồn vốn đầu tư, Ngân sách Trung ương 38.740 tỷ đồng (thành phố Hồ Chí Minh: 24.010 tỷ đồng; Đồng Nai: 1.934 tỷ đồng; Bình Dương: 9.640 tỷ đồng; Long An: 3.156 tỷ đồng); ngân sách địa phương: 36.637 tỷ đồng (thành phố Hồ Chí Minh: 24.010 tỷ đồng; Đồng Nai: 1.934 tỷ đồng; Bình Dương: 9.640 tỷ đồng; Long An: 1.052 tỷ đồng).

    Xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án, các đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thống nhất chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 3 và cam kết bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh đủ 50% trong tổng mức đầu tư dự án thành phần trên địa bàn tỉnh Bình Dương (khoảng 9.640 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025: 7.808 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030: 1.832 tỷ đồng). Trường hợp điều chỉnh tổng mức đầu tư, tỉnh Bình Dương cam kết sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh đối với nguồn vốn tăng thêm theo đúng quy định.

    Tán thành chủ trương thành lập thành phố Tân Uyên

    Đối với chủ trương thành lập thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương, bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng, Đề án đã được chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ và đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật. Đề án được lấy ý kiến của nhân dân là cử tri ở các đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc thành lập đơn vị hành chính với tỷ lệ tán thành cao, có 86.734 cử tri tán thành - đạt tỷ lệ 99,14% (so với tổng số cử tri) và đạt tỷ lệ 99,88% (so với số cử tri được lấy ý kiến). Sau khi lấy ý kiến cử tri, cơ quan xây dựng đã hoàn thiện Đề án và gửi HĐND ở các đơn vị hành chính có liên quan để lấy ý kiến.

    Việc thành lập thành phố Tân Uyên phù hợp các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt theo Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 11/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025; Quyết định số 1886/QĐ-UBND ngày 13/7/2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Nam Tân Uyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 269/QĐ-UBND ngày 09/02/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thị xã Tân Uyên đến năm 2025 và chủ trương thành lập thành phố Tân Uyên của Bộ Nội vụ.

    Ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Sở Nội vụ trình bày Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập TP.Tân Uyên

    Năm 2018, thị xã Tân Uyên được công nhận là đô thị loại III. Đến nay, thị xã Tân Uyên đã phấn đấu đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực như: Kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại và đồng bộ; an ninh - quốc phòng được giữ vững, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Việc thành lập thành phố Tân Uyên trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng đô thị hiện tại của thị xã, không làm tăng đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy và biên chế có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, phù hợp với nguyện vọng của người dân, sẽ góp phần nâng cao vị thế, tạo cơ hội cho thị xã Tân Uyên phát huy tiềm năng đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực.

    Đối chiếu các tiêu chuẩn thành lập thành phố thuộc tỉnh được quy định tại Điều 5, Nghị quyết 1211/2016/NQ-UBTVQH13 ngày 25/05/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thị xã Tân Uyên đảm bảo đạt 05/05 tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính trực thuộc, phân loại đô thị, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội.

    Từ những quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn, nhận thấy việc thành lập thành phố Tân Uyên là phù hợp và cần thiết, các đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết tán thành chủ trương thành lập thành phố Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương. Nghị quyết của HĐND tỉnh sẽ được gửi đến Bộ Nội vụ tổng hợp, báo cáo Chính phủ và cấp thẩm quyền quyết định.

    Kỳ họp cũng đã thông qua 03 mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Cụ thể, giá dịch vụ xét nghiệm SARS–COV-2 test nhanh mẫu đơn không quá 78.000 đồng/lần; xét nghiệm SARS–COV-2 bằng máy miễn dịch tự động hoặc bán tự động mẫu đơn không quá 178.900 đồng/xét nghiệm và bằng kỹ thuật PCR không quá 501.800 đồng/lần/xét nghiệm.

    Phát biểu bế mạc, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Chánh đề nghị ngay sau Kỳ họp, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp khẩn trương triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh đã được thông qua. Các ngành, các cấp phải tiếp tục đổi mới, chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn theo chủ đề điều hành năm 2022 của Chính phủ “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”; qua đó, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của HĐND tỉnh. Thường trực HĐND, các Ban HĐND, đại biểu HĐND, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh bằng hình thức phù hợp, thông báo kết quả Kỳ họp, phổ biến nội dung các Nghị quyết vừa được HĐND tỉnh thông qua đến cử tri, nhân dân trong tỉnh và tăng cường các hoạt động giám sát nhằm đảm bảo nghị quyết được thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội giám sát và vận động các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh.

    Để tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ các dự án, Kỳ họp đã thông qua các Nghị quyết về đầu tư công (ĐTC). Cụ thể, chấp thuận kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch ĐTC vốn ngân sách địa phương năm 2021 cho 29 dự án với tổng số vốn kéo dài là 3.630 tỷ.

    Đối với Kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021-2025, điều chỉnh bỏ Dự án Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh với tổng số vốn bố trí trong kế hoạch là 30 tỷ; thay vào đó bổ sung 03 dự án là dự án đầu tư xây dựng đường từ Đất Cuốc (ĐH.411) đến đường ĐT.742 với số vốn bố trí 10 tỷ đồng, dự án đầu tư xây dựng đường từ Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore II-A đến Khu công nghiệp Mỹ Phước 3 với số vốn bố trí 10 tỷ đồng, dự án đầu tư xây dựng đường từ cầu Thới An đến sông Sài Gòn với số vốn bố trí 10 tỷ đồng (nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác triển khai thực hiện dự án giao thông kết nối vùng trùng tuyến đường Vành đai 4).​ Đồng thời, bổ sung 02 dự án đầu tư mới vào giai đoạn chuẩn bị đầu tư là Dự án Bệnh viện tuyến cuối 2.000 giường, Dự án Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc. Chuyển Dự án Nâng cao năng lực kiểm định, thử nghiệm thuộc Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng từ danh mục chuẩn bị đầu tư sang thực hiện dự án; điều chỉnh giảm vốn 06 dự án không có khả năng giải ngân với tổng số vốn là 1.074 tỷ 600 triệu đồng, có tỷ lệ giải ngân đạt 17,7%; điều chỉnh tăng 1.068 tỷ 600 triệu đồng cho 04 dự án có khả năng giải ngân, tỷ lệ giải ngân đạt 44,2%.

    Thực hiện bổ sung vốn Kế hoạch ĐTC năm 2022 cho 01 dự án đã được bố trí vốn với tổng số vốn bổ sung là 130 tỷ đồng; chuyển 05 dự án từ danh mục chuẩn bị đầu tư sang thực hiện dự án; điều chỉnh giảm vốn 12 dự án không có khả năng giải ngân với tổng số vốn 686 tỷ 816 triệu đồng để bố trí sang 05 dự án có khả năng giải ngân.

    Điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng đường phân khu ĐX144, phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một từ 959 tỷ 500 triệu đồng tăng lên thành 1.040 tỷ 818 triệu đồng.

    tin tức khác ...

  • DỰ ÁN ĐANG BÁN  - BLOCK F8  & BLOCK 12 , KDC IJC HÒA LỢI, PHƯỜNG HÒA PHÚ, THÀNH PHỐ THỦ DẦU MỘT.
  • Bình Dương tiếp tục được vinh danh trong TOP 7 Cộng đồng thông minh thế giới năm 2022
  • Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 sẽ tạo thêm lực đẩy cho phát triển đô thị Bình Dương
  • Bình Dương xúc tiến đầu tư Bỉ
  • Đối Tác

    Khách hàng cũng ngày một tinh tế hơn khi lựa chọn một bất động sản thích hợp để ở hoặc để đầu tư. Nếu trước kia họ chọn “một ngôi nhà” thì giờ đây họ chọn “một không gian sống” 

    TOP
       0945 99 25 79